Festival làng nghề Việt Nam 2022: Thiết thực bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống

ĐNA –

Chuẩn bị cho Festival làng nghề Việt Nam năm 2022 với các hoạt động chính bao gồm: Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam; Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP lần thứ 18; Hội thảo phát triển làng nghề Việt Nam; Ra mắt một số Hiệp hội làng nghề; sáng nay, 5/10/2022, tại trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm (Đà Nẵng), Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (AGRITRADE), Văn phòng điều phối Nông thôn mới TƯ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức họp báo.

BTC cho biết đây là năm đầu tiên, Festival làng nghề Việt Nam tổ chức họp báo tại Đà Nẵng. Ảnh trong bài: Trung Đức – Asean News.

Được biết, theo quyết định số 3645/QĐ-BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (về Kế hoạch tổ chức Festival làng nghề Việt Nam năm 2022 và các hoạt động: hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam, hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18); chuỗi sự kiện được tổ chức với quy mô lớn nhằm tiếp tục tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế sản phẩm thủ công phát huy ý tưởng sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế; tạo môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và lan toả các giá trị truyền thống đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng BTC, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh:
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam mang đậm đặc bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn những nét truyền thống và làm nên những giá trị quốc gia khác biệt. Bên cạnh đó, đây cũng là những ngành nghề mang lại doanh thu lớn (năm 2021 đạt 236.000 tỷ, chiếm 1/3 doanh thu từ 5 lĩnh vực kinh tế nông nghiệp) giá trị xuất khẩu lớn (năm 2021, xuất khẩu hơn 2,3 tỷ USD, dự kiến vào năm 2025, đạt 5 tỷ USD).

Đặc biệt, môi trường hoạt động của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam cũng là nơi những nghệ nhân đang ra sức truyền nghề và thế hệ kế cận đang ra sức sáng tạo. Không chỉ giải quyết một số lượng đông đảo lao động, do đặc thù công việc, làng nghề, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ hay sản phẩm OCOP, còn là nơi người khuyết tật tìm được công việc, có thu nhập ổn định và hòa nhập cộng đồng. Những năm gần đây, khu du lịch phát triển mạnh, thì sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP cũng là sản phảm du lịch, tour thăm làng nghề cũng được đưa vào lộ trình tham quan, trải nghiệm của du khách.

Nghệ nhân giới thiệu công đoạn tráng mì (thành phẩm là mì lá, lá mì được cắt thành sợi thì làm nên tô mì Quảng nổi tiếng); thay đổi nguyên liệu, phơi khô thành phẩm, thì cho ra bánh tráng. Hình ảnh tại lễ hội Ẩm thực Đà Nẵng 2021

Với những ý nghĩa rất nhân văn và hiệu quả kinh tế, an sinh Festival làng nghề và sản phẩm OCOP lần thứ 18 – năm 2022, hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm nay, chính là cơ hội để kết nối giữa các cơ sở sản xuất trong làng nghề với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và địa phương giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề.

Các hoạt động (diễn ra liên tục từ ngày 2 đến ngày 6/11/2022, tại Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế thương mại – số 489 đường Hoàng Quốc Việt, cầu Giấy, Hà Nội) còn tạo môi trường để các tác giả giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và phát huy ý tưởng sáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính mới, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong đó, bao gồm cả trao đổi, đề xuất các giải pháp để đổi mới mẫu mã, công nghệ sản xuất, vùng nguyên liệu và phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Theo đại diện AGRITRADE, đến nay Ban Tổ chức hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022, đã tiếp nhận khoản 317 sản phẩm tham dự từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Miền Bắc tiếp nhận 200 sản phẩm; Miền Nam tiếp nhận 85 sản phẩm, bao gồm: Nhóm gốm sứ và thủy tinh có 39 sản phẩm; nhóm dệt, thêu đan, móc có 71 sản phẩm; nhóm mây, tre, lá có 73 sản phẩm; nhóm sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ có 71 sản phẩm; nhóm khác (sừng, trai ốc, chạm khắc đá, kim khí; hoa, tranh, …) có 63 sản phẩm.

Sản phẩm (OCOP) Nấm lim xanh (Quảng Nam) được trưng bày tại không gian họp báo thu hút sự quan tâm của đại biểu

Đối với khu vực miền Trung có 32 sản phẩm, tập trung vào các nhóm như: Nhóm gỗ mỹ nghệ 6 sản phẩm; nhóm thêu dệt 3 sản phẩm; nhóm mây tre đan có 7 bộ sản phẩm; nhóm tranh giấy 10 sản phẩm; nhóm chạm bạc có 6 sản phẩm.

Sắp đến, từ ngày 20-24/10/2022 sẽ diễn ra vòng chấm sơ khảo, từ ngày 25- 28/10/2022 là vòng chấm chung khảo. Sản phẩm đạt giải được tôn vinh, trưng bày, cùng với hoạt động nghệ nhân trình diễn (thao diễn) tay nghề (được bố trí khu vực ở khu vực đặc biệt của Festival, trang trí và xếp đặt theo bối cảnh làng quê Việt Nam).
“Vừa tôn vinh các bậc nghệ nhân, thợ giỏi, hội thi thiết thực góp phần bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống của Việt Nam”, ông Lê Đức Thịnh khẳng định thêm.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chấm thi, Ban Tổ chức đã quyết định chuyển các sản phẩm dự thi của khu vực Miền Trung và Miền Nam tập trung ra ngoài Miền Bắc để tổ chức chấm thi và trao giải.

Dư địa các sản phẩm ngành nghề nông thôn Việt Nam còn rất lớn
Theo ông Hoàng Văn Dự – Phó Giám đốc AGRITRADE, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ luôn trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và ngành thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia làm hàng xuất khẩu, góp phần xoá đói giảm nghèo ở nông thôn. Xét theo giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, Việt Nam hiện xếp thứ 15 trên thế giới, xếp thứ 5 ở khu vực châu Á. Và tiềm năng phát triển, sự đa dạng các sản phẩm ngành nghề nông thôn; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề Việt Nam đã và đang ngày càng được quan tâm hơn.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng được trưng bày tại không gian họp báo.

“Đó là các vấn đề liên quan đến môi trường, như sản xuất sạch – thân thiện, liên quan đến nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng,liên quan đến cộng đồng xã hội, liên quan đến an toàn và sức khỏe,. Điều này khiến dư địa phát triển cho ngành hàng này hiện nay của đất nước ta là rất lớn” – ông Dự cho biết.

Tính đến cuối năm 2021, cả nước đã có 181 nghề truyền thống, 1983 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận (trong đó: 1338 làng nghề và 645 làng nghề truyền thống) và hàng nghìn làng nghề chưa được công nhận.

Tổng số cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh các làng nghề năm 2021 là khoảng 213 nghìn cơ sở (trong đó có gần 2.000 doanh nghiệp, 350 hợp tác xã, 330 tổ hợp tác và 210 nghìn hộ gia đình); tạo việc làm cho trên 672.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn trong các làng nghề đã được công nhận năm 2021 đạt gần 60 nghìn tỷ đồng. Một số sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt được kết quả xuất khẩu cao như: sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt trên 878 triệu USD (tăng 43,8% so với năm 2020); sản phẩm gốm, sứ đạt trên 674 triệu USD (tăng 16,1% so với năm 2020).
Các chính sách của Nhà nước đã thúc đẩy việc phát triển ngành nghề nông thôn ở các địa phương như Nghị định 52/2018/NĐ-CP và gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/07/2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 với các giải pháp cụ thể, đồng bộ để triển khai trong thời tới.

Năm 2020, Bộ đã tổ chức thành công Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020, đã thu hút được 174 nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân và 339 sản phẩm tham gia. Ban Tổ chức đã tổ chức chấm và trao giải cho 42 sản phẩm. Năm 2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 quá, nên phức tạp nên không thể tổ chức Hội thi như mong muốn./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *